Thứ Năm, 7 tháng 2, 2019

FMCG là gì? Ngành hàng FMCG tại Việt Nam thông tin đặc biệt

Theo báo cáo của Nielsen Việt Nam, Trong khi doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ở một số thị trường đã ổn định và rất thành công như Mỹ có dấu hiệu dịu đi vào đầu năm 2018 thì tại Việt Nam một viên ngọc ở Đông Nam Á, hiện đang có sự tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nền kinh tế có nhiều dấu hiệu lạc quan như tốc độ tăng trưởng GDP cao vào khoản 6,8% trong quý 2. Việt Nam cũng  là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất ở châu Á do dân số tăng nhanh và chi tiêu tiêu dùng gia tăng. Quả đúng như vậy, từ năm 2012, thu nhập hộ gia đình đang tăng lên gần 40%.
FMCG là gì?


NGÀNH HÀNG FMCG LÀ GÌ?

Hầu hết chúng ta từ người tiêu dùng, thậm trí người kinh doanh cũng chưa hiểu hết về khái niệm FMCG là gì? hay ngành hàng FMCG là gì

FMCG là gì? Hàng tiêu dùng nhanh ( FMCG ) hoặc Hàng tiêu dùng đóng gói ( CPG ) là những sản phẩm được bán ra với tốc độ nhanh và với giá nhập cũng như giá bán khá thấp .

Đa phần các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) có thời hạn sử dụng tương đối ngắn, do nhu cầu tiêu dùng cao hoặc là kết quả của sự xuống cấp nhanh của sản phẩm. Một số FMCG, chẳng hạn như thịt, trái cây, rau, các sản phẩm từ sữa và đồ nướng rất dễ bị hỏng, thiu thối. Các hàng hóa khác, chẳng hạn như thực phẩm đóng gói sẵn, nước ngọt, kẹo và đồ vệ sinh có tỷ lệ doanh thu cao. 

Bao bì là yếu tố rất quan trọng đối với FMCG. Để kinh doanh thành công trong phân khúc FMCG thì doanh nghiệp cần phải rất năng động và sáng tạo, một công ty không chỉ phải làm quen với người tiêu dùng, thương hiệu và kênh phân phối, mà còn phải có sự hiểu biết đúng đắn về bao bì và quảng bá sản phẩm. 

Bao bì phải vừa hợp vệ sinh vừa thu hút khách hàng. Hệ thống tiếp thị và phân phối thường xuyên cập nhật phản hồi từ người tiêu dùng, kinh doanh và yêu cầu điều chỉnh lại bao bì để tối đa hóa hiệu quả. Bên cạnh đó bao bì tác dụng chính là bảo vệ sản phẩm và kéo dài thời hạn sử dụng đồng thời cung cấp thông tin sản phẩm chi tiết tới cho người tiêu dùng.

Biên lợi nhuận trên các sản phẩm ngành hàng FMCG có thể tương đối nhỏ, nhưng chúng thường được bán với số lượng lớn hay nói cách khác là tốc độ quay vòng sản phẩm nhanh; do đó, lợi nhuận tích lũy trên các sản phẩm đó có thể là đáng kể. Theo BASES, 84% chuyên gia làm việc cho hàng tiêu dùng nhanh FMCG đang chịu nhiều áp lực hơn để nhanh chóng đưa sản phẩm mới ra thị trường so với năm hay mười năm trước. Với suy nghĩ này, 47% những người được khảo sát thú nhận rằng thử nghiệm sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thời hạn được đẩy nhanh. 

Sự phát triển của internet trong một phần tư thế kỷ qua và sự gia tăng của hiện tượng cộng đồng thương hiệu đã góp phần rất lớn vào nhu cầu về FMCG. Ví dụ, theo sự kiện internet của nhóm nghiên cứu AGOF của Đức, 73% dân số Đức đang mua sắm trực tuyến. Ngoài ra, 83,7% người dùng internet tuyên bố sử dụng web để tìm kiếm thông tin và 68,3% để mua sắm trực tuyến. Nhưng mặc dù hầu hết các sản phẩm ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG không được người tiêu dùng đặt hàng mua trực tuyến, thay vào đó, chúng được mua thuận tiện trong một cửa hàng bách hóa gần đó.

ĐẶC ĐIỂM SẢN PHẨM NGÀNH HÀNG TIÊU DÙNG NHANH FMCG

1. Từ góc độ người tiêu dùng

* Mua hàng thường xuyên
* Giá thấp
* Date hạn sử dụng ngắn
* Sản lượng tiêu thụ nhanh

2. Từ góc độ tiếp thị

* Sản lượng kinh doanh cao
* Chi phí đóng gói sản phẩm thấp
* Nhà sản xuất không cung cấp trực tiếp tới người tiêu dùng (B2C)
* Mạng lưới phân phối hàng hóa rộng lớn
* Giá cổ phiếu doanh nghiệp cao

TOP 10 NHÀ SẢN XUẤT TIÊU DÙNG NHANH ĐƯỢC MUA NHIỀU NHẤT TẠI VIỆT NAM

Bảng xếp hạng Brand Footprint được thiết lập dựa tiêu chí trên thông tin về hành vi mua sắm của người tiêu dùng trên thực tế thay vì dựa trên thị hiếu hay thái độ của họ đối với thương hiệu như ở các bảng xếp hạng khác. 

Bảng xếp hạng được xây dựng này dựa trên thước đo Điểm Tiếp Cận Người Tiêu Dùng (Consumer Reach Points - CRPs*). Đây chính là một trong những thước đo mang tính sáng tạo nhằm đo lường bao nhiêu hộ gia đình trên thế giới có chọn mua một thương hiệu (tỷ lệ hộ gia đình mua) và mức độ thường xuyên mua (tần suất mua hàng). Thước đo này chính là đại diện chân thực nhất về sự lựa chọn của người tiêu dùng đối với một doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG.

Unilever, Masan Consumer và Vinamilk - Vẫn là Top 3 nhà sản xuất đang sở hữu các thương hiệu được người tiêu dùng lựa chọn mua và sử dụng nhiều nhất ở cả Thành thị 4 thành phố lớn nhất tại Việt Nam và vùng Nông thôn trong suốt 6 năm qua. Ở ngành hàng Thực phẩm (food), Masan Consumer và Vinamilk là hai nhà sản xuất được chọn mua nhiều nhất, trong khi đó, Unilever tiếp tục vị trí dẫn đầu trong ngành hàng Phi thực phẩm (nonfood). Những yếu tố chính giúp Top 3 nhà sản xuất quảng bá thương hiệu và giành được cơ hội được người tiêu dùng lựa chọn đó chính là: danh mục sản phẩm rất đa dạng, mạng lưới phân phối rộng khắp toàn quốc với hàng chục ngàn điểm điểm bán trưng bày sản phẩm, chiến lược định giá hợp lý, kết hợp với truyền thông tiếp thị marketing và cải tiến một cách liên tục.
FMCG là gì? Top 10 nhà sản xuất lớn nhất tại Việt Nam

TOP 5 NGÀNH HÀNG TIÊU DÙNG NHANH FMCG LỚN NHẤT VIỆT NAM

1. Chăm sóc sức khẻo và làm đẹp

Ngành hàng FMCG bán tốt nhất - Chăm sóc sức khỏe làm đẹp
Trong bảng xếp hạng Top 10 thương hiệu làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, Unilever sở hiệu 6 thương hiệu ở Thành thị 4 thành phố và 5 thương hiệu ở Nông thôn với độ phủ rộng rãi đến gần đến 100% hộ gia đình đều có sử dụng một trong những sản phẩm của Unilever. 

Tập đoàn đa quốc gia này tạo dựng vị trí độc tôn cho các thương hiệu của mình trong tâm trí người tiêu dùng thông qua rất nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu hướng đến đa dạng đối tượng khách hàng, người sử dụng, phân khúc tiêu dùng khác nhau.

Nhà sản xuất Unicharm (Băng vệ sinh Diana, bỉm Boby) cũng ghi nhận kết quả rất khả quan, đặc biệt là ở các khu vực vùng Nông thôn. Bobby – là một thương hiệu Tã giấy (bao gồm tã quần, tã dán) thuộc Unicharm của Nhật Bản lần đầu lọt vào Top 10 ở khu vực Thành thị 4 thành phố và đạt mức tăng trưởng ấn tượng 37% ở Nông thôn. Với mặt hàng Tã giấy đóng góp gần 1⁄4 tổng chi tiêu mua sắm FMCG ở kênh online, những nỗ lực của Bobby trong việc đẩy mạnh phân phối trực tuyến có thể thu hút được nhóm người mua đầy tiềm năng ở kênh này. Trong khi đó, Diana – một thương hiệu khác thuộc sở hữu của Unicharm, tăng một bậc lên hạng 2 đồng thời dẫn đầu tăng trưởng CRP trong Top 10 ở Thành thị 4 thành phố. Thương hiệu này cũng đang phát triển rất tốt ở vùng Nông thôn, tăng tới 15% về CRP và thu hút thêm nửa triệu hộ mua mới ở Nông thôn.

Thương hiệu dẫn đầu tăng trưởng ở khu vực Thành thị 4 thành phố Sensodyne – mặc dù không nằm trong Top 10 – đang thu hút sự chú ý ở thị trường Chăm sóc Sức khỏe & Sắc đẹp khu vực Thành thị 4 thành phố khi đạt mức tăng trưởng CRP 2 con số (+27%) trong năm ngoái. Thương hiệu thuộc nhà sản xuất GlaxoSmithKline (GSK) này đã và đang thâm nhập thành công thị trường tiêu dùng tại Việt Nam ở khu vực Thành thị từ năm 2015, bằng cách nhắm vào một thị trường ngách. Thương hiệu chăm sóc răng miệng này được biết đến như nhà tiên phong trong phân khúc chăm sóc răng nhạy cảm và vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu ở phân khúc này dù đã có rất nhiều đối thủ khác xuất hiện. Sản phẩm Sensodyne hiện có mặt trong nhà tắm của khoảng 14% hộ gia đình Thành thị, thâm nhập thêm 60,000 hộ năm 2017.

2. Chăm sóc gia đình

Ngành hàng FMCG bán tốt nhất - chăm sóc gia đình

Tập đoàn Unilever lại thêm một lần nữa khẳng định được sức mạnh ở ngành hàng chăm sóc gia đình với 3 thương hiệu Sunlight, Omo, and Comfort nằm trong Top 3 dẫn đầu bảng xếp hảng cả ở Thành thị 4 thành phố và Nông thôn. Sunlight, với vị trí dẫn đầu 2 năm liên tiếp, đã tiếp cận được hơn 2/3 hộ gia đình Việt và vẫn đang thu hút thêm người mua ở các khu vực Nông thôn, nơi có rất nhiều đối thủ cạnh tranh địa phương.

Là thương hiệu thu hút nhiều người mua nhất trong ngành Chăm sóc gia đình, giành được thêm 110 ngàn người mua mới, Lix – một thương hiệu bột giặt nội đã tăng hạng ở khu vực Thành thị 4 thành phố với mức tăng trưởng CRP 16%. Sự tăng trưởng của thương hiệu này chủ yếu nhờ vào việc ra mắt dòng sản phẩm nước giặt với mức giá hợp lý, mang đến cho người tiêu dùng Thành thị một sự lựa chọn kinh tế với chất lượng ổn định.

Tại khu vực Nông thôn, thương hiệu Chăm sóc gia đình số một trong việc thu hút người mua mới là Việt Nhật – một thương hiệu giấy. Với việc thu hút gần 1.2 triệu hộ gia đình, thương hiệu này đã vượt 5 hạng một cách ngoạn mục và lần đầu tiên có mặt trong Top 10 cùng mức tăng trưởng CRP kỷ lục 128%.

Các thương hiệu Chăm sóc gia đình đáp ứng được nhu cầu tiện lợi, giá thành cạnh tranh có thể nắm bắt xu hướng này để tiếp cận đến nhiều hộ gia đình Việt hơn.

3. Thực phẩm

Ngành hàng FMCG bán tốt nhất -Thực phẩm
Dẫn đầu bảng xếp hạng khu vực Thành thị 4 thành phố là Hảo Hảo với mức tăng trưởng CRP 10%, có mặt trong căn bếp của hơn 65,000 hộ gia đình mới năm 2017. Việc Hảo Hảo ra mắt sản phẩm mới Hảo Hảo Handy (mì ly) đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về sự tiện lợi của người tiêu dùng và góp phần quan trọng cho thành công của thương hiệu này năm vừa qua.

Nam Ngư, một thương hiệu nước mắm của Masan Consumer, tiếp tục là thương hiệu Thực phẩm được chọn mua nhiều nhất ở Nông thôn đồng thời đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Thành Thị. Các sản phẩm của Nam Ngư được chọn mua hơn 130 triệu lần bởi gần 80% hộ gia đình ở Nông thôn và 16 triệu lần bởi hơn 2/3 hộ gia đình ở Thành thị. Cùng với các thương hiệu khác như Chinsu, Tam Thái Thử và Kokomi, “gã không lồ” trong nước – Masan Consumer đã củng cố vị thế áp đảo của mình ở bảng xếp hạng ngành Thực phẩm.

Dù không thuộc Top 10, “ngôi sao” triển vọng One One đang có bước chuyển mình ấn tượng, nhảy 8 bậc trên bảng xếp hạng cùng mức tăng trưởng mạnh 52% ở Nông thôn đồng thời ở Thành thị 4 thành phố cũng tăng 32%. Thương hiệu bánh gạo này đang không ngừng mở rộng mức độ thâm nhập thị trường, tiếp cận thêm 145 ngàn hộ gia đình thành thị và hơn 1 triệu hộ nông thôn trong năm ngoái. Bên cạnh đó, các thương hiệu như Orion và Poca khu vực Thành thị 4 thành phố hay Cosy và Solite khu vực Nông thôn cũng đang được chú ý như là các thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất. Sự tăng tốc của những thương hiệu này dự báo một tương lai tiềm năng cho thị trường Đồ ăn nhẹ nói chung.

Cùng với nhiều thương hiệu mới, sản phẩm mới, chủng loại mới, ngành hàng Thực phẩm dường như là ngành hàng có nhiều cải tiến nhất. Thị trường này trong năm qua đã có thêm gần 2,000 SKUs mới và được kỳ vọng sẽ tiếp tục sôi động hơn trong thời gian tới.

4. Đồ uống

Ngành hàng FMCG bán tốt nhất - Đồ uống
Coca-Cola tiếp tục vị trí số một ở bàng xếp hạng Thành thị 4 Thành phố. Thương hiệu quốc tế này duy trì được mức tăng trưởng CRP khỏe mạnh +12% thông qua việc thực hiện rất nhiều các chiến dịch quảng cáo. Trong khi đó, Saigon, thương hiệu được chọn mua hơn 40 triệu lần bởi người tiêu dùng Nông thôn đang dẫn đầu bảng xếp hạng ở khu vực này. Với CRP tăng mạnh +19% nhờ thu hút thêm hơn 700 ngàn hộ mua mới, Saigon trở thành thương hiệu thu hút nhiều người mua mới nhất tại khu vực Nông thôn trong ngành hàng Thức uống.

LaVie đến từ Nestlé là gương mặt mới trong bảng xếp hạng Top 10 ở Thành thị 4 thành phố. Với mức tăng CRP 19%, La Vie tăng 2 hạng lên vị trí thứ 8 và trở thành thương hiệu Nước uống đóng chai được chọn mua nhiều nhất tại khu vực Thành thị 4 thành phố.

Ở vị trí thứ 3, Tiger trở thành thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất khu vực Thành thị 4 thành phố, tăng CRP 31% nhờ thâm nhập thêm hơn 100 ngàn hộ gia đình mới. Bia Tiger được xem là một thương hiệu cao cấp với mức giá cạnh tranh nên có khả năng dẫn đầu trong xu hướng mua hàng cao cấp của thị trường Bia. Thương hiệu này cũng đồng thời đẩy mạnh rất nhiều hoạt động xã hội, chiến dịch quảng bá như “Tiger – Đánh thức bản lĩnh” nhắm đến đối tượng trẻ trung Millennials nhằm thu hút phân khúc tiềm năng này.

Tại khu vực Nông thôn, MacCoffee vươn lên 4 hạng và lần đầu có tên trong danh sách Top 10 với mức tăng trưởng CRP ấn tượng 46%. Thương hiệu Singapore này nhờ việc đổi tên thành Cà Phê Phố tại thị trường Việt Nam đã trở nên dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng Việt, và đã tiếp cận thêm hơn 115 ngàn hộ mua mới trong năm vừa qua.

5. Sữa và sản phẩm thay thế sữa


Đa số thương hiệu Sữa và Sản phẩm thay thế sữa trong bảng xếp hạng đều là các thương hiệu nội, chiếm hơn 55% giá trị thị trường FMCG cho tiêu dùng tại nhà. Trong đó, với điểm CRP khá cao, Vinamilk đang “tỏa sáng” với danh hiệu là thương hiệu Sữa được chọn mua nhiều nhất ở cả hai khu vực Thành thị 4 thành phố và Nông thôn, vượt xa các thương hiệu khác về điểm CRP.

Là một trong số ít các thương hiệu nước ngoài lọt vào Top 10, Milo đã có một năm 2017 thành công, tăng trưởng CRP đạt mức 19% ở Thành thị 4 thành phố và 10% ở Nông thôn. Nhờ việc đầu tư cho các chiến dịch quảng bá mang tính sáng tạo, thương hiệu này đang hướng người tiêu dùng chú ý nhiều hơn đến Milo. Năm vừa qua, với chiến dịch truyền thông “Năng động Việt Nam” Milo đã tạo được sức ảnh hưởng sâu rộng đến hàng ngàn bậc phụ huynh cùng Milo chung tay hành động và kết quả đã nhận được giải thưởng APAC Effie danh giá cho chiến dịch quảng bá truyền thông xuất sắc nhất.

Vươn lên 2 bậc để vào bảng xếp hạng Top 10, Ensure đạt được mức tăng trưởng CRP 2 con số ở khu vực Thành thị 4 thành phố. Thương hiệu sữa của Abbott này đã được chọn mua hơn 3 triệu lần và hiện đã tiếp cận được tới 1/5 hộ gia đình Thành thị trong năm 2017. Là một lựa chọn dinh dưỡng thích hợp cho người lớn - phân khúc tiềm năng cho các sản phẩm dinh dưỡng - Ensure đang thể hiện rất tốt, đặc biệt thường được chọn mua nhiều trong các dịp tặng quà.

Nằm trong Top 10 ở khu vực Nông thôn nơi mà ngành hàng sữa và các sản phẩm từ sữa vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển thêm, Nuti trở thành thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng CRP lên tới 51%. Nhờ mức giá hợp lí, thương hiệu sữa này đã mở rộng đến gần 1/3 hộ gia đình ở Nông thôn chỉ trong 2 năm sau khi được tung ra thị trường, tiếp cận thêm 1.2 triệu hộ mua mới chỉ trong năm ngoái. Nuti đã thành công không chỉ trong việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ở các khu vực Nông thôn, mà còn đẩy mạnh nhận diện thương hiệu thông qua hàng loạt các hoạt động tài trợ và từ thiện, thể hiện tốt sự cam kết trách nhiệm xã hội ở khu vực này.
Nguồn: Tổng hợp

SHARE THIS

Chuyên Gia:

Người đầu tiên đưa nền tảng giáo dục kinh doanh siêu thị, với những khóa học quản lý siêu thị và cung cấp dịch vụ setup siêu thị mini đầu tiên tại Việt Nam với thương hiệu ISAAC. ISAAC là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ setup hệ thống chuỗi minimart, trung tâm thương mại với quy trình setup và quản lý vận hành 4.0

0 nhận xét: